Trong một quán rượu đầu ô Khâm Thiên, tôi được nghe một giọng thơ trầm ấm của một thày giáo dạy toán. Ông yêu thơ Vũ đến cháy lòng. Ông là bạn cùng thế hệ nhà thơ và đang giữ lại cả những bài thơ chưa một lần xuất bản.
Những câu thơ vang lên trong góc quán vắng lặng như níu lại ký ức một thời tràn sinh lực. “Vườn trong phố” – tôi nhận thêm về mình một khoảng xanh kỳ lạ mà trước đây tôi đã từng yêu trên giảng đường đại học. Nó thấm đẫm tình nghệ sỹ, những giác quan thiên bẩm và một trái tim yêu thương xen lẫn những tầng nghĩ ngợi sâu sắc.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ (ảnh tư liệu) |
Khu vườn của Lưu Quang Vũ có cội rễ từ tâm hồn dân tộc. Nơi đó, ông chăm chút những thân cây vạm vỡ vươn nhánh vào vòm trời chung và cả những hình ảnh thân thương như chính kỷ niệm của riêng mình. Cái chung cái riêng hoà quyện. Những tiếng gọi non sông thúc giục cùng với những thì thầm tinh tế bên trong đều cùng chung một thanh âm mang màu xanh mát. Nơi bắt đầu và cũng là nơi trở về.
Giữa ồn ào cách tân bây giờ, chợt nhớ se lòng những câu thơ thuần Việt. Tiếng mẹ đẻ ta đấy. Tất cả thụ hưởng từ dòng chảy ca dao:
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi…
Nhưng cũng rất hiện đại:
Dưa hấu bổ ra thơm suốt đường dài
Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
Lưu Quang Vũ gửi lại cho chúng ta những vẻ đẹp bình dị, những thứ mà ông thu nhận từ cuộc đời rộng lớn. Những điều mà bây giờ ít người còn cất giữ…
Khi lòng người không còn giữ cho nhau những thơm thảo, cuộc sống bắt đầu gằn lên những xung đột, Lưu Quang Vũ viết kịch.
Kịch ông giàu tính thời cuộc nhưng không chịu đóng đinh vào chuyện thời sự. Nó lan xa hơn như những vòng sóng và dường như sâu hơn trong những lúc hồ đầy tĩnh lặng. Ở đó có những dự cảm, những suy tư về thân phận, về những ẩn ức vĩnh cửu của con người, những va đập thiện-ác, cái tôi và cái chúng ta, lương tri và thói đạo đức giả, sự kệch cỡm và danh dự…
Cảnh trong vở “Lời thề thứ 9” (ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ) |
Ngần ấy năm trời, những bài thơ mãi còn xanh; những vở kịch không dừng lại trong câu chuyện đương thời. Người ta đọc ông nhiều hơn, và nghĩ sâu hơn trong những góc độ cảm xúc. Người ta cũng dựng lại kịch ông không chỉ để tôn vinh một nghệ sỹ lớn, mà còn để góp thêm tiếng nói cho cuộc đời này.
Những “Tôi và chúng ta”, những “Lời thề thứ 9″…vẫn rất cần cho cuộc sống hôm nay khi mà sự tử tế, tình người cứ nhạt dần trong những “Tấn trò đời” mà cách đây vài chục năm, và xa hơn nữa, Lưu Quang Vũ và nhiều thế hệ văn nghệ sỹ chân chính đã đau lòng dự cảm.
Không hiểu sao, cứ mỗi lần đi bộ dọc theo các con phố, tôi lại ngẩn ngơ đi tìm mà chẳng còn thấy một khu vườn giống như trong bài thơ ấy, những âm thanh trong buổi chiều mùa thu đáng nhớ ấy. Không còn những khoảng xanh âm vang đó hay là chẳng bao giờ có vì đó chỉ là câu chuyện cổ tích trong tâm tưởng nhà thơ? Thôi chẳng phân biệt rạch ròi làm gì.
Chỉ biết rằng, cái khát khao rất con người về những tán cây thơm thảo xoè ra như những đôi tay ân cần mãi mãi vẫn day trở trong mỗi người. Nhắc nhở chúng ta đừng làm tan đi những giọt sương mơ hồ trên lá, niềm hạnh phúc rung ngân trên bờ môi như trái cây thơm ngọt từng ngày…
Tôi giở lại hình ảnh “Vườn trong phố” như để gạn lọc những lớp bụi đang vô cảm thấm vào từng dòng suy nghĩ, từng trang sự thật mỗi ngày. Và hơn lúc nào hết thấy mỗi người trong chúng ta cần phải chăm chút cho khu vườn nhỏ của chính mình./.