Trang Trí Ban Công sẽ chia sẻ đến các bạn đọc một số thông tin cơ bản về kĩ thuật trồng 4 loại rau cơ bản trong thùng xốp. Bạn có thể vận dụng để trồng rau sạch ngay tại ban công hoặc sân thượng.
Mục lục bài viết
1. Kỹ thuật trồng rau mồng tơi
Mồng tơi là loại cây dây leo quấn, mập và nhớt. Với kỹ thuật trồng rau mồng tơi dễ dàng, dễ chăm sóc, dễ tìm mua hạt giống hay cây giống nên rau mồng tơi là loài rau xanh được trồng phổ biến tại nhà.
Rau mồng tơi có nhiều loại. Loại rau mồng tơi phổ biến trong sản xuất là mồng tơi trắng có phiến lá nhỏ, thân mảnh, thân và lá có màu xanh nhạt.
Bên cạnh đó còn có các giống mồng tơi khác là tía có phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ; hay mồng tơi lá to nhập từ Trung Quốc, lá dày, màu xanh đậm, phiến lá to, thân mập, thường được trồng dày để dễ cắt tỉa cành non, ít nhớt và cho năng suất cao.
Kỹ thuật trồng rau mồng tơi trong thùng xốp
Nếu bạn có khu vườn rau mini tại ban công và sân thượng thì bạn có thể sử dụng phương pháp trồng rau trong chậu nhựa, khay nhựa trồng rau. Khi trồng rau bằng phương pháp này, bạn cần cho khối lượng đất dày khoảng 8cm rồi giải hạt lên mặt đất với số lượng 10g/ 1 khay. Sau khi dải đều trên mặt khay ta phủ lên trên hạt một lớp đất mỏng khoảng 0-5cm và thực hiện tưới nước bằng vòi phun nhẹ nhằm tạo đủ độ ẩm cho đất, tưới 2 lần/ngày. Sau 5-7 ngày chăm sóc hạt sẽ nảy mầm.
Mồng tơi ưa sáng vì vậy bạn nên trồng ở những nơi có ánh sáng chiếu đủ để cây có điều kiện phát triển tốt nhất. Để cây không bị úng nước, vào mùa mưa bạn không nên tưới nhiều nước cho cây để tránh tình trạng bị ngập úng. Mùa nắng tưới đủ nước 2 lần/ngày để duy trì độ ẩm cho cây. Lưu ý không nên sử dụng ước thải sinh hoạt chưa xử lý để tưới cho rau, không nên dùng phân chế biến từ rác thải thành phố, vì trong loại rác thải này có chứa nhiều kim loại nặng. Nên bón phân hữu cơ nên trộn với phân lân bón lót, bón xong rồi cày đất hoặc bón theo luống. Trước lúc thu hoạch rau 7-10 ngày nên ngưng tưới phân đạm để lượng nitrat trong rau không quá cao.
II. Kỹ thuật trồng rau rền
Rau dền là loại rau mùa hè, có kỹ thuật trồng cây khá đơn giản. Đây là món ăn không thể thiếu vào những ngày nắng nóng của người Việt Nam.
Có 2 loại giống rau dền có thể trồng làm rau ăn là: dền trắng và dền đỏ. Dền trắng (còn gọi là dền xanh) có thân, lá đều xanh, phiến lá hẹp, hình lá liễu (nên còn có tên là dền lá liễu). Dền đỏ (còn gọi là dền tía) là loại rau có lá hơi tròn đều hoặc tròn như vỏ hến, có loại lá dài to; thân, cành, lá có màu huyết dụ.
Ngoài ra, rau dền cơm cũng là một loại cây thân thảo, phân nhiều nhánh từ gốc, thân có khía màu xanh nhạt; lá hình thoi hoặc hình trứng có cuống dài bằng phiến. Rau dền cơm cũng là món rau ăn thông thường ở gia đình nông thôn, có thể dùng bằng cách luộc hoặc nấu canh.
Kỹ thuật trồng rau rền với thùng xốp.
Rau có hạt nhỏ, hạt có lớp vỏ sừng nên giữ được sức nảy mầm rất lâu ngay cả trường hợp bị vùi sâu trong đất. Vì hạt rau dền rất nhỏ nên người trồng cần phải làm đất thật kỹ (làm đất nhuyễn) để hạt dền nảy mầm đều.
Để trồng rau dền ta có thể gieo trực tiếp hoặc là trồng bằng cây con (khoảng cách trồng từ 5-7cm).
Khi gieo hạt trực tiếp ta nên chú ý ngâm hạt khoảng 2 tiếng sau đó để ráo nước trước khi gieo.
Mật độ hạt gieo là từ 1-1,5gram/1m2. Do hạt rau dền nhỏ nên khi mà gieo hạt ta nên chú ý trộn hạt với một nắm đất khô để gieo cho hạt trải đều trên khay.
Sau khi gieo khoảng 25–30 ngày, cây có thể nhổ cấy (cây cao 10–15cm) và trồng với khoảng cách: 15 x 15cm hoặc 12 x 20cm.
Người trồng cần bón phân lót cho cây, kết hợp với làm đất với liều lượng từ 1,2 – 1,5 tấn phân chuồng/1.000m2. Sau khi cấy từ 5 – 7 ngày lúc cây đã phục hồi, người chăm cây nên bón thúc bằng phân urê pha loãng với liều lượng 4 kg/1.000m2 và tưới đủ nước cho cây 1 lần/ngày.
Rau dền sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 25 – 30C, độ ẩm càng cao, cây càng cho nhiều cành lá. Rau dền có thể trồng quanh năm nhưng thời vụ gieo trồng tốt nhất là từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm.
Rau dền ít bị sâu bệnh, nếu có chủ yếu là các loài sâu ăn lá như sâu róm, sâu xanh, sâu khoang. Người dân có thể dùng Sherpa hoặc Sherzol để phun phòng trị. Tuy nhiên, khi dùng thuốc bảo vệ thực vật, bà con cần phải tuân theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly, không được dùng các loại thuốc cấm, không sử dụng quá liều quy định.
III. Kỹ thuật trồng rau ngót
Cây rau ngót có tên khoa học là Sauropus Androgynus, thuộc họ Thầu dầu Euphorbyaceae . Là loại thực vật thân gỗ, cây mọc thẳng đứng phân nhiều nhánh . Cây cao từ 1 đến 1,5m có khi lên đến gần 2m. Lá mọc cách , phiến lá hình bầu dục, màu xanh đậm. Rau ngót có hoa đơn tính, hình sim, quả hình tròn nhỏ.
Rau ngót nổi tiếng là thực phẩm giàu chất đạm, cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin, muối khoáng, canxi, phốt pho, vitamin C… Hơn thế nữa, giống rau này lại rất dễ trồng và ít sâu bệnh.
Cây rau ngót có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết, tuy nhiên rau ngót phát triển tốt vào mùa mưa và nơi ẩm ướt. Rau ngót có khả năng sinh trưởng tốt trên mọi loại đất, nhưng thích hợp nhất là trồng trên đất thịt nhiều mùn và độ ẩm cao.
Kỹ thuật trồng cây rau ngót
Kỹ thuật trồng cây rau ngót có thể áp dụng theo 2 phương pháp đó là trồng bằng thân hoặc gieo hạt. Tuy nhiên, khi trồng bằng hạt tỷ lệ nảy mầm rất thấp và lâu cho thu hoạch. Chính vì vậy, người ta thường chọn trồng bằng thân. Để có giống tốt bạn có thể tới các cửa hàng giống cây trồng để lựa chọn.
Trong quá trình lựa chọn nên nhớ cần chọn những cây rau ngót thân to, không sâu bệnh và đã trồng được khoảng 1 năm để làm cây giống. Cắt thân cây thành nhiều khúc, mỗi khúc dài từ 10-12cm. Sau khi cắt xong, để cành đã cắt khoảng 2-3 tiếng cho vết cắt khô lại mới đem cành giâm xuống đất. Cắm cành lún xuống 2/3 đất rồi tưới đều (khoảng cách cây cách cây 5cm). Tưới 1 lần/ngày.
Trồng cây rau ngót không cần phải làm đất kỹ, chỉ cần cày xới đất tơi xốp và bón lót phân chuồng ủ mục hay hỗn hợp các loại phân đạm, lân, kali để giúp cho cây phát triển giai đoạn đầu. Nếu trồng trong chậu, thùng xốp thì cần phải sử dụng loại thùng có chiều sâu và đổ đầy đất vào thùng để trồng cây. Khoảng cách trồng cách hàng 50 – 60 cm, cây cách cây 25 – 30 cm, mỗi hốc có thể trồng 2 cây.
Sau 7-10 ngày cành sẽ bắt đầu nẩy lộc non. Sau 25-30 ngày lộc non phát triển được 15-20cm thì chúng ta tiến hành bón thúc bằng phân NPK với liều lượng 30-50gr pha cho 0,5 lít nước tưới cho 1m2 rau ngót. Sau khi cây con đã được 30-40cm chúng ta tiến hành tỉa bớt cành lá già ở phần thân dưới để sủ dung, để lại 4-5 cành phía ngọn cho cây tiếp tục phát triển.
Bệnh thường gặp trên cây rau ngót đó là sâu cuốn lá khiến cho cây còi cọc, lá xoăn lại. Do trồng rau ngót với quy mô hộ gia đình nên chúng ta hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì thế thường xuyên chăm sóc phát hiện và cắt tỉa những lá sâu, vàng để hạn chế sâu bệnh.
Sau khoảng 2 tháng lúc này khi cây con đã cao được 30-40cm chúng ta bắt đầu tiến hành tỉa lá ăn dần. Các đợt tiếp theo sau khoảng 25-30 ngày. Nên nhớ, để cây tiếp tục ra lá, sau mỗi lần thu hoạch chúng ta lại bón bổ sung NPK với liều lượng 30-50gr pha với 0,5 lít nước tưới cho 1m2 rau.
IV. Kỹ thuật trồng rau má tại nhà
Việc trồng rau má trong chậu, thùng xốp thường được nhiều bà nội trợ yêu thích và áp dụng vì sự đơn giản, thuận tiện. Thậm chí, rau má còn có thể được trồng thuỷ canh.
Để trồng rau má, đầu tiên bạn hãy chuẩn bị:
– Chậu nhựa, thùng xốp thoát nước tốt
– Hạt giống rau má: Có thể tìm mua tại các siêu thị hoặc những nơi bán hạt giống cây. Hiện có nhiều giống rau má khác nhau, nhưng bạn nên chọn giống rau má mỡ có thân và lá to, xanh mướt, cây cao, có tốc độ sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao. Bạn cũng có thể sử dụng những bụi rau má còn nguyên rễ để trồng.
– Đất sạch: Làm kĩ, đánh cho tơi xốp. Nên dùng loại đất sạch chuyên dụng hoặc giá thể để phòng trừ mầm bệnh như ấu trùng, nhộng, nấm…
– Phân trùn quế, phân chuồng, phân vi sinh.
Kỹ thuật trồng rau má tại nhà
Đầu tiên, bạn cho đất sạch vào chậu nhựa, thùng xốp. Gieo hạt giống vào chậu đất, khoảng cách trồng là 15 x 20 cm cho 3 đến 4 tép một bụi. Vì rau má ưa ẩm nên bạn cũng cần tưới nước mỗi ngày 2 lần sáng và tối để cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho rau má mau bắt rễ và phát triển. Ngoài ra, để đảm bảo dinh dưỡng cho cây, bạn nên bón phân 2 tuần 1 lần. Sau 1 tháng, bạn đã có thể thu hoạch lứa rau má đầu tiên.
Sau khi thu hoạch 1 lứa, cây cần được bón phân ngay để rau phát triển nhanh cho thu lứa khác (những đợt sau bạn chỉ cần bón phân vô cơ). Ngoài ra, bạn cũng cần bổ sung các nguyên tố vi lượng cho rau, có thể dùng 15 – 25 gram Better NPK 16-12-8-11+TE hoà vào nước tưới.
Nên lưu ý là vào mùa đông, sương mù và không khí lạnh có thể làm lá rau má bị vàng úa, vì vậy bạn cần tưới nước vào mỗi buổi sáng để tránh tình trạng đọng sương gây vàng lá. Những cơn mưa đầu mùa dù lớn hay nhỏ cũng cần tưới nước, rửa axít và tránh môi trường thay đổi đột ngột làm cây hư hỏng.
Dù được chăm sóc kĩ nhưng rau má cũng có khả năng bị sâu bệnh như: nhện đỏ, sâu ăn tạp, gỉ sắt (xuất hiện vết màu nâu tím hoặc màu vàng liên kết nhau ở mặt dưới lá), hoặc bệnh đốm lá (những đốm khô có màu xám, viền ngoài màu nâu xuất hiện trên bề mặt lá). Cách nhanh nhất để phòng trị bệnh là cắt và chôn vùi cây bệnh, ngắt bỏ lá bị úa vàng, vệ sinh khu vực trồng, chú ý không sử dụng phân bón trên về mặt lá lúc rau đang bị bệnh.
Các bạn có thể xem thêm tại đây:
https://www.facebook.com/dailyhatgiongcacloai
https://www.facebook.com/thietkebancongdep
https://www.facebook.com/hethongtuoithietbituoitudong